Ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết tại TP.HCM, chuyên gia cảnh báo hai đối tượng cần bảo vệ nghiêm ngặt

Google News

Hiện tại TP.HCM là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất ở khu vực phía Nam, đáng chú ý trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận 1 ca tử vong.

Đã ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết ở TP.HCM

Theo thông tin mới nhất từ Sở Y tế TP.HCM, số ca mắc sốt xuất huyết tại địa phương này tiếp tục gia tăng, đồng thời ghi nhận 1 ca tử vong. Thống kê đến hết tuần 46, tại TP. HCM đã ghi nhận 12.013 ca mắc sốt xuất huyết và là tỉnh, thành phố có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất khu vực phía Nam, chiếm 25% tổng số ca mắc của khu vực.

Theo số liệu giám sát của Viện Pasteur TPHCM, số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm đến tuần 45 của khu vực phía Nam là 44.980 (giảm 26,4% so với cùng kỳ năm 2023).

Dù số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên từ tuần 37 đến nay số ca mắc sốt xuất huyết tại TP.HCM có xu hướng tăng liên tục và đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Số ca mắc sốt xuất huyết ở TP.HCM tăng cao, đã ghi nhận trường hợp tử vong. 

Ngành y tế TP.HCM nhận định, nguy cơ dịch gây dịch sốt xuất huyết xuất hiện ở khắp nơi và gắn liền với nếp sống sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình, hiện diện ở mọi nơi từ nội thành đến ngoại thành và ở tất cả các quận huyện, phường xã. Vì vậy, thời gian tới số ca bệnh sốt xuất huyết vẫn sẽ tiếp tục tăng nếu chúng ta không có những biện pháp quyết liệt.

Hai đối tượng cần đặc biệt lưu ý

Theo các chuyên gia, bất kể ai cũng có thể mắc sốt xuất huyết, thậm chí còn mắc đi mắc lại, trong đó trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai cần đặc biệt lưu ý vì những biến chứng xảy ra nguy hiểm đến tính mạng.

Với trẻ nhỏ, Thạc sĩ Đỗ Thị Thuý Hậu – Điều dưỡng trưởng Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, giai đoạn trẻ mắc sốt xuất huyết nguy hiểm thường rơi bào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi mắc bệnh.

Biểu hiện sốt xuất huyết ở trẻ vào giai đoạn này có thể còn sốt hoặc đã thuyên giảm, trẻ bị thoát huyết tương. Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện dễ nhận thấy như: vật vã, bứt rứt, lờ đờ, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít, tụt huyết áp hoặc không thể đo được huyết áp.

Đặc biệt, trẻ bị xuất huyết dưới da hoặc xuất hiện các mảng bầm tím, các nốt xuất huyết nằm rải rác hoặc tập trung ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn; xuất huyết ở niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, tiểu ra máu…

Trẻ nhỏ mắc sốt xuất huyết nguy cơ bị biến chứng nặng rất cao. Ảnh minh họa. 

Để tránh những biến chứng nguy hiểm trên, Bộ Y tế khuyến cáo, khi trẻ mắc hoặc nghi ngờ mắc sốt xuất huyết nếu có một trong số những dấu hiệu sau thì cần đưa đi đến viện ngay:

- Trẻ vật vã, lờ đờ, đau bụng liên tục nhiều vùng gan;

- Trẻ buồn nôn và nôn trên 3 lần/1giờ, hoặc trên 4 lần/1giờ;

- Xuất huyết niêm mạc, tiểu cầu giảm nhanh;

- Chảy máu chân răng, chảy máu mũi, hành kinh sớm và kéo dài (đối với trẻ nữ);

- Tiểu ít, đi ngoài phân đen.

Với phụ nữ có thai, PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, biểu hiện sốt xuất huyết trên phụ nữ có thai rất khó lường, do vậy bác sĩ luôn khuyên khi có thai mắc bệnh này cần nhập viện điều trị.

Tại bệnh viện, bệnh nhân sẽ được theo dõi công thức máu, đông máu, chức năng gan, thận....hàng ngày và theo dõi tình trạng của thai để xem có biểu hiện như: dọa sảy hay sảy thai, đẻ non (nếu như ở trong những tháng cuối của thai kỳ) hoặc rong kinh, rong huyết hay không.

Một trường hợp phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết được điều trị tại BV Bạch Mai. Ảnh: BV Bạch Mai. 

Một số trường hợp thai phụ ở giai đoạn cuối có dấu hiệu chuyển dạ, vì sốt xuất huyết dễ làm chảy máu cùng với đó là chảy máu trong lúc sinh nở sẽ dễ khởi động quá trình rối loạn đông máu, dẫn đến sốc mất máu, nguy hiểm tính mạng cho mẹ và thai nhi.

Từ những biến chứng nguy hiểm trên, ông Cường khuyến nghị, phụ nữ đang mang thai cần cố gắng tránh mắc bệnh sốt xuất huyết, bằng cách nên mặc quần áo dài, chân đi tất, ngủ màn tuyệt đối, dùng các sản phẩm đuổi muỗi, chống muỗi,…. Trường hợp khu vực sinh sống có ổ dịch lưu hành nếu có điều kiện nên sơ tán đến nơi an toàn, nếu không cần phòng tránh muỗi đốt để tránh lây bệnh.

Dưới đây là một số biện pháp phòng bệnh được các chuyên gia tư vấn cần thực hiện:

- Không loăng quăng, bọ gậy không có sốt xuất huyết: Đây là thông điệp phòng bệnh sốt xuất huyết đơn giản, dễ thực hiện nhưng nhiều người còn chủ quan, không áp dụng để phòng bệnh ngay tại gia đình. Đây chính là “lỗ hổng” trong việc phòng bệnh khiến số người mắc bệnh và số ổ dịch mới gia tăng.

Theo đó, ổ bọ gậy là nguồn truyền bệnh sốt xuất huyết tập trung ở những vật dụng chứa nước trong như: Chậu, lọ cắm hoa, cây cảnh, những dụng cụ chứa nước trên tất cả các tầng, sân thượng, lan can... tại các hộ gia đình. Vì thế, đồng thời với diệt muỗi trưởng thành, các gia đình cần phải vệ sinh, lật úp các dụng cụ chứa nước trong gia đình dù là nhỏ nhất.

Ngay các hộ gia đình ở chung cư cao tầng cũng có muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Chính vì vậy diệt bọ gậy hàng tuần để đảm bảo không có sản sinh ra muỗi truyền sốt xuất huyết là yếu tố quan trọng nhất trong phòng, chống sốt xuất huyết.

- Chủ động phòng muỗi đốt: Người dân hãy ngủ mắc màn, đây là việc làm rất đơn giản, nhưng nhiều gia đình ở thành phố không thực hiện. Theo đó, nhiều người nghĩ rằng ngủ ở nhà cao tầng, có điều hòa là không có muỗi. Tuy nhiên, muỗi ẩn náu ở những chỗ kín, khi tắt điện chúng sẽ ra đốt và gây bệnh nếu đang có mầm bệnh trong người.

Cùng với đó, trong sinh hoạt hàng ngày có thể có thể dùng các sản phẩm chống muỗi ví dụ như trẻ nhỏ có thể dùng tã quần xua muỗi, khăn lau xua muỗi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép để an toàn khi sử dụng, nhất là vào buổi tối. Đồng thời với đó là hãy mặc quần áo sáng màu để tránh bị muỗi đốt, kể cả khi ngủ.

- Chỉ phun hóa chất khi có hướng dẫn của nhân viên y tế: Hóa chất diệt muỗi chỉ phù hợp với những nơi đang có ổ dịch lưu hành, việc tự ý phun tràn lan, không theo hướng dẫn sẽ gây nên tác dụng ngược. Cụ thể, khi đó muỗi sẽ kháng thuốc và không có tác dụng cho những lần phun sau.

- Tiêm vắc-xin phòng bệnh: Hiện nay Việt Nam đã cấp phép lưu hành vắc-xin phòng sốt xuất huyết, nhưng chưa đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Do vậy, mọi người hãy cân nhắc việc tiêm vắc-xin và thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành y tế để phòng bệnh hiệu quả và an toàn.

LÊ PHƯƠNG.